(Nhandan) – Nền tảng dữ liệu số Việt Nam (Vmap) vừa chính thức ra mắt, với nhiều tiện ích đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, cung cấp địa chỉ cho người dùng mà các nền tảng hiện nay chưa đáp ứng được. Ứng dụng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu để phục vụ người dùng hiệu quả hơn.
Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Mặc dù hiện nay đã có nhiều ứng dụng, nền tảng cung cấp dữ liệu này, nhưng để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng, Việt Nam cần xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình. Đây chính là lý do mà Vmap – một nền tảng nằm trong khuôn khổ đề án của Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” đã được phát triển với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…), và xây dựng cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, nhà dân, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…). Khi vào địa chỉ https://map.itrithuc.vn và https://vmap.vn tìm địa điểm, ngay lập tức Vmap cho ra kết quả cụ thể của từng số nhà, ngõ phố. Theo nhóm phát triển Vmap, để thu thập dữ liệu bản đồ, trong khoảng ba tháng, hơn 120 nghìn nhân viên của Bưu điện Việt Nam và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin. Thông qua điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, chụp ảnh… các nhân viên bưu điện, đoàn viên, thanh niên đã thu thập tên, địa chỉ nhà, cửa hàng, địa điểm và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên Vmap. Thí dụ, tại tỉnh Phú Yên, các nhân viên Bưu điện Phú Yên và đoàn thanh niên đã thu thập được hơn 218 nghìn dữ liệu trong hai tuần.
Bên cạnh việc chi tiết hóa quá trình tìm kiếm thông tin tại Việt Nam, Vmap còn đi theo một hướng khác biệt, hữu ích cho người dùng, đó là hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống và hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vmap cũng được nhiều doanh nghiệp trong nước kỳ vọng ứng dụng vào công tác quản lý và kinh doanh. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung, một trong những mục tiêu của Hệ tri thức Việt số hóa là tạo nền tảng về tri thức, trả lời cho những câu hỏi trong cuộc sống. Thông tin về con người, địa chỉ và vị trí của mọi vật… là những dữ liệu cần thiết của bản đồ số đối với những công ty đang kinh doanh trong nền kinh tế số hiện nay. Những dữ liệu này là chính thống, được Chính phủ và người Việt Nam xác nhận, qua đó tạo ra sự phát triển cho các ngành, nghề khác. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các đối tượng liên quan, như biết được ai, cái gì đang ở đâu. Người dân sử dụng Vmap như một công cụ để tìm đường, chia sẻ những nội dung liên quan đến vị trí. Hiện tại, Vmap có hơn 23 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước và số liệu này đang được Bưu điện Việt Nam liên tục cập nhật thông qua đội ngũ bưu tá. Ông Vũ Thanh Xuân, Trưởng Ban Kỹ thuật công nghệ (Bưu điện Việt Nam – đơn vị chủ trì triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam”) cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ thêm nhiều thuộc tính mới hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp như: Điều tra khảo sát về nhu cầu của khách hàng; điều tra khảo sát về đặc điểm tình hình dân số, hoặc những xu hướng phát triển của các doanh nghiệp như thương mại điện tử, kinh doanh về du lịch… Khi có cơ sở dữ liệu đầy đủ thì sẽ cung cấp cho doanh nghiệp.
Mặc dù đã có nhiều tiện ích cho người dùng, Vmap vẫn cần liên tục cập nhật thông tin. Do đó, Vmap cần sự ủng hộ của các đơn vị, người dùng trong việc ứng dụng bản đồ số vào cuộc sống, đồng thời chia sẻ, đóng góp dữ liệu thông tin chính xác để gia tăng số lượng địa chỉ, bảo đảm chất lượng của dữ liệu.